logo

Dấu hiệu mòn lốp và cách khắc phục ở ô tô

Ngày Đăng : 28/05/2018 - 9:44 AM
Các miếng nhô lên ở rãnh lốp chính là căn cứ để bạn biết lốp đã mòn đến mức cần thay chưa?.

 

Chú ý khi lốp mòn đến mức ngang bằng với các miếng “chỉ báo” này thì có nghĩa là đã đến lúc phải thay lốp. Tuy nhiên, thời điểm thay lốp cũng còn tuỳ thuộc vào việc sử dụng phương tiện của bạn. “Ví dụ: nếu bạn thường xuyên đi đường trơn ướt thì cần thay lốp trước khi hoa lốp mòn tới sát miếng chỉ báo trên rãnh lốp”.

Sau đây là những hiện tượng khác của lốp xe cần quan tâm.

Mòn chính giữa

Đây là dấu hiệu cho thấy lốp quá căng, nên chỉ có phần chính giữa lốp tiếp xúc với mặt đường. Nếu như vậy, độ bám đường của xe sẽ bị ảnh hưởng.

Để biết áp suất đúng dành cho lốp, bạn hãy tìm thông tin trên giấy dán ở cửa xe, hoặc trong cuốn hướng dẫn sử dụng xe. Hãy kiểm tra áp suất khi lốp mát và trước lúc khởi hành. Một số người cho rằng nên bơm lốp căng hơn yêu cầu một chút để xe chạy bon hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Tuy nhiên, đây là việc làm “lợi bất cập hại”. Bạn có thể tiết kiệm nhiên liệu, nhưng sẽ tốn kém hơn do lốp mau hỏng.

Nếu áp suất chuẩn nhưng vẫn thấy lốp bị mòn ở chính giữa thì có thể là do lốp và vành không “hợp” nhau. Một số xe dẫn động cầu sau có thể khiến một số lốp mòn ở chính giữa ngay cả khi chúng được bơm đúng áp suất và chăm sóc đúng kiểu. Nhưng điều đó chỉ đúng với các xe thể thao công suất cao.

Nứt và phồng

Hiện tượng này thường là do xe hay gặp ổ gà, hay chạy đường quá xấu, lởm chởm. Việc bơm quá non hay quá căng khiến lốp dễ bị hiện tượng này hơn.

Các vết nứt lớn trên thành lốp, chạy dọc theo vân lốp xuất hiện khi xe thường xuyên chạy đường xấu hoặc do lốp quá non hơi. Nhiều vết nứt nhỏ trên thành lốp có thể do thiên nhiên và “tuổi tác” in dấu.

Đốm phồng thường có thể xuất hiện trên thành lốp vài tuần hoặc vài tháng sau khi có va chạm hoặc tác động làm hỏng bên trong lốp.

Với cả hai hiện tượng này, bạn không có cách nào khác là thay lốp mới

Biến dạng hình chén

Bạn có thể thấy hiện tượng này bằng mắt thường hoặc sờ vào lốp. Đó là những vết lồi lõm hình tròn hoặc vỏ sò.

Hiện tượng này báo hiệu các bộ phận của hệ thống treo đã bị hỏng hoặc mòn, khiến lốp xe nảy lên, hạ xuống ở một số điểm mạnh hơn chỗ khác, sau một thời gian tạo vết lồi lõm trên lốp. Nguyên nhân thường là do giảm xóc kém, hoặc bất cứ bộ phận nào nối bánh xe với xe có vấn đề.

Tuy nhiên, cũng nên thận trọng với phán đoán của mình. Ngay cả một số cửa hàng chuyên về lốp đôi khi cũng bắt nhầm bệnh biến dạng hình chén thành mòn hình lông chim hoặc mòn gót giày. Vành xe không cân cũng có thể gây hiện tượng biến dạng hình chén trên mặt lốp nhưng sẽ ít lồi lõm hơn so với nguyên nhân là hệ thống giảm xóc kém.

Lõm chéo

Hiện tượng này thường gặp ở lốp sau của xe dẫn động cầu trước với độ chụm bánh xe chưa chuẩn. Việc xe không được thường xuyên đảo lốp cũng có thể gây hiện tượng lõm chéo trên mặt lốp. Khả năng thứ ba là: nếu xe thường xuyên chở nặng ở cốp sau cũng có thể làm thay đổi về mặt hình học của hệ thống treo, dẫn đến hiện tượng mòn lõm chéo trên mặt lốp.

Mòn hai bên

Nếu như lốp chỉ bị mòn hai bên mép, còn ở giữa vẫn bình thường, thì đó là dấu hiệu của việc lốp non hơi. Lốp quá mềm sẽ phải cong gập nhiều hơn khi xe chạy, và hơi nóng tích tụ có thể gây nổ lốp. Thêm vào đó, lốp non hơi sẽ không thể hấp thụ xung lực và lâu ngày có thể làm hỏng hệ thống treo.

Để tránh hiện tượng lốp non hơi, đơn giản là hãy kiểm tra áp suất lốp hàng tuần nếu xe đi nhiều và hàng tháng nếu đi ít. Đừng chỉ dựa vào hệ thống cảnh báo áp suất lốp trên xe, vì về cơ bản, hệ thống chỉ phát tín hiệu cảnh báo khi áp suất lốp giảm 25% so với yêu cầu. Như vậy tức là một lốp xe có áp suất tiêu chuẩn 28 psi thì khi ở mức 21 psi, đèn cảnh báo áp suất mới nháy sáng, trong khi mức 22 psi có thể cũng đã đủ thấp để hại lốp.

Nếu áp suất lốp thường xuyên ở quanh mức tiêu chuẩn mà lốp vẫn bị mòn hai bên mép thì bạn cần đem xe vào xưởng để kiểm tra hệ thống lái, hoặc “kiểm điểm” xem mình lái xe có quá hung hăng, nóng tính không.

Mòn lông chim

Có thể nhận diện kiểu mòn này bằng cách vuốt tay lên mặt lốp, bạn sẽ thấy những vết mòn một chiều, với một đầu tròn một đầu nhọn. Có thể tượng tượng các vết mòn giống như một loạt đường dốc ở mép lốp, cạnh thấp hơn của dốc sẽ tròn, còn cạnh cao sẽ sắc.

 Kiểu mòn này báo hiệu độ chụm của bánh xe chưa chuẩn, cần được chỉnh lại bằng các dụng cụ chuyên dùng. Nếu sau khi chỉnh lại, lốp vẫn bị mòn hình lông chim, thì bạn có thể nghĩ tới khả năng hệ thống treo có vấn đề, làm lệch bánh lái. Đồng thời, cũng cần kiểm tra các khớp nối và bi may-ơ.

Đốm mòn phẳng

Đây là dấu hiệu cho thấy xe từng phanh gấp, lốp xe mài trên mặt đường, với một điểm tiếp xúc. Xe không có hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) thì bánh xe dễ bị khoá cứng khi phanh gấp hơn, dẫn tới hiện tượng mòn phẳng một điểm trên mặt lốp.

Còn một khả năng nữa là xe đậu phủ bụi quá lâu ở một chỗ, trọng lượng xe đè một khoảng lốp xuống mặt đất. Không giống như do phanh gấp, kiểu mòn do xe đậu lâu ngày không có các vết trầy xước khác trên mặt lốp nhưng lốp xe bị méo. Lốp có bố toả tròn cũng có thể bị hiện tượng này, nhưng lốp sợi chéo (bias-ply) dễ bị hơn, đặc biệt là nếu xe đậu quá lâu ở nơi có chất lỏng gây ăn mòn, như xăng hoặc chất chống đông.

Kiểu mòn này nếu nặng và nằm ở bánh lái thì có thể gây mất thằng bằng cho xe. Trong trường hợp này, nên thay lốp hoặc đem đến tiệm để “mài” bớt hoa lốp cho mòn đều nếu đốm mòn không quá sâu.

Mòn hình gót giày

Kiểu mòn này cũng tương tự như mòn hình lông chim, chỉ khác là vết mòn nằm theo hướng dọc từ trước ra sau thay vì nằm ngang. Nếu vuốt tay sẽ thấy cạnh đầu vết mòn thì trơn, còn phần đuôi thì sắc.

Đây thường là dấu hiệu cho thấy xe không được thường xuyên đảo lốp. Vì thế, hãy kiểm tra lại lịch bảo dưỡng xe. Ngoài ra, có thể do các nguyên nhân như hệ thống treo bị lệch hoặc hỏng, khớp nối và bi may-ơ có vấn đề.

Mòn lệch một bên

Đây là dấu hiệu của góc nghiêng của bánh lái có vấn đề, khiến lốp nghiêng ra ngoài hoặc vào trong quá. Với trường hợp này, bạn cần cân chỉnh lại bánh xe.

Hệ thống treo, khớp nối và nhíp có vấn đề cũng có thể khiến lốp xe bị mòn vẹt một bên. Ngoài ra, có thể kể đến một số nguyên nhân khác, như: xe thường xuyên chở nặng, độ chụm bánh xe không chuẩn, và không thường xuyên đảo lốp.

Từ những dấu hiệu và cách khắc phục chúng tôi chia sẻ ở trên. Việc kiểm tra áp suất và quan sát sự thay đổi của lốp cũng chưa đủ, bạn còn cần sờ tay vào hoa lốp để xem có gì bất thường không. Bên cạnh đó, các bạn còn nên thường xuyên sử dụng các sản phẩm bảo dưỡng vỏ (lốp) xe để có được tuổi thọ sử dụng dài hơn, độ an toàn cao hơn cho mỗi chuyến đi.

MAXRIDER xin chúc các bạn có những chuyến đi An toàn – cuộc sống hạnh phúc!

Khả Hân t/h

Video Clip
Tin tức - Sự kiện
Mã số mã vạch sẽ cho biết sản phẩm đó được sản xuất ở đâu? Bởi đơn vị nào? Liệu sản phẩm này có phải sản phẩm thật hay sản phẩm bị giả mạo?
Go Top
fanpage facebook
[0]